Thư gửi em #01: Bàn về sự chết

Gửi cô em nhỏ,

Thật may mắn vì chúng ta không phải sống trong một thế giới nơi con người chết đi sẽ trở thành nguồn cung phốt-pho sản xuất phân bón và sự khóc thương dành cho người đã mất bị xem là ảnh hưởng đến việc "đào luyện" trẻ em.

Anh không phải là một triết gia hay một nhà khoa học, nên bức thư này sẽ không bàn tới những vấn đề kiểu như "sống là gì?", "chết là gì?", "thế nào là sống?", "thế nào là chết?". Anh chỉ viết về những cảm xúc và nỗi băn khoăn của mình khi nhìn vào sự chết.

Sự chết là một điều bí ẩn nhất trên đời này. Ta có thể quan sát một người chết đi, nhưng không ai biết điều gì thực sự xảy ra trừ chính người đã chết. Khi chết là trải nghiệm như thế nào? Sau sự chết là gì? Không có câu trả lời nào cả, vì những câu trả lời đều là của người chưa chết. Vì nó bí ẩn, vì chưa hiểu gì về nó nên ta sợ hãi. Con người luôn sợ hãi những gì không biết, không hiểu thấu được. Anh cũng vậy, anh sợ hãi sự chết!

"Chết" vốn dĩ là một điều quá đỗi quen thuộc trong cuộc sống của anh và em. Có vô số từ để diễn đạt sự chết, và anh bắt gặp chúng mỗi ngày, sự ra đi của những người thân quen, người nổi tiếng, người dân thường, anh hùng, kẻ tội đồ,... trong thực tế hoặc trong các tác phẩm giả tưởng. Tin tức, báo đài, phim ảnh, sách vở hay trong những cuộc trò chuyện. Nó có thể được dùng để chửi nhau, đùa vui, lấy sự đồng cảm, làm tăng nỗi đau hay đơn thuần chỉ tình tiết gây cấn cho một truyện trinh thám. Sự chết nghe ra thật bình thường phải không em!

Nhưng cô em thân yêu ơi, em có nhận ra một sự bất thường ở đây chăng? Hết thảy sự chết đó đều là của người khác, không ai nói về sự chết của chính mình. Anh không có, em chắc cũng không đâu nhỉ. Bởi vì sợ hãi!

Sự chết là điều bí ẩn nhất, thật đáng sợ. Nhưng đáng sợ hơn cả là ai cũng phải chết. Ai cũng biết và phải biết điều đó. Sợ hãi cái chết là nỗi sợ ẩn sâu trong tiềm thức con người. Vậy nên, nói về cái chết của bản thân đã là điều tối kỵ, dù vô tình hay hữu ý đều cố phớt lờ nó, nói chi đến việc nhìn vào nó.

Và tin anh đi, chiêm nghiệm về sự chết của chính mình là một trải nghiệm kinh khủng và nguy hiểm. Anh đã từng nghĩ về cái chết của chính anh, cái cảm giác vô lực, vô vọng và chìm vào sự trống rỗng đó thật đáng sợ biết bao. Khó trách tâm trí ta luôn tìm cách tránh né nghĩ về nó, vì nó thật sự rất nguy hiểm. Chỉ một cái nhìn thoáng cũng đã khiến anh phải run sợ, không dám nghĩ đến việc chiêm nghiệm thật sâu về nó. Cái sự trống rỗng đó khiến con người dễ phát điên, dễ buông bỏ bản thân vì khi ấy anh thấy mọi thứ trong cuộc đời này thật vô nghĩa!

Nhưng em ơi, dẫu bây giờ không nhìn thì sau này cũng không tránh thoát được. Sự chết là thử thách cuối cùng của đời người. Để có thể bình thản tiếp nhận nó, thì phải rèn luyện, như khi chuẩn bị cho một kỳ thi đại học vậy. Nhưng rèn luyện phải có phương pháp, không thể làm bừa. "Sự chết không phải trò đùa!", phải khắc ghi điều đó vào tâm trí, đừng dại dột thử nhìn vào nó mà không có phương pháp đúng đắn nào em nhé.

Nhận thức rõ ràng về sự chết của mình là một điều cực kỳ quan trọng để sống. Anh ghét phải nghe những lời nói sáo rỗng kiểu như "Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng của bạn” hoặc tương tự như vậy xuất hiện trong đủ loại sách vở, phim ảnh các kiểu. Nghe qua thấy chí lý thật đấy, nhưng sự thật thì nó chẳng có ý nghĩa gì cả, vì như anh đã nói ở phần trên, sự chết của bản thân là một đại sự, nó đau đớn và nặng nề vô cùng khi ta chưa đủ khả năng tiếp nhận nó. Chỉ khi chính bản thân bình thản đối mặt với sự chết thì mới thật sự bình thản mà sống, anh nghĩ vậy! Nó là cả một quá trình rèn luyện suốt đời người. Mỗi ngày đều đối mặt với sự chết ư, nói nhẹ đi thì như học sinh mỗi ngày đều đi thi đại học vậy đấy, không phát điên mới là lạ!

Mỗi khi đi dự một đám tang, anh lại càng nhận thức rõ hơn sự hiện hữu của sự chết. Cuộc đời con người ai cũng có điểm kết thúc, chỉ là đến sớm hay muộn, bất ngờ hay có sự chuẩn bị.

Anh vẫn còn nhớ cái cảm giác tê chân và đau lưng vì phải quỳ lạy liên tục theo điệu tụng niệm của gã thầy tụng trong đám tang ông nội anh, trong lòng vừa rủa cái bài tụng vô dụng chết tiệt này bao giờ mới kết thúc, anh chẳng tin được một bài tụng vớ vẩn như vậy đưa được linh hồn ông anh về Tây Thiên cực lạc, vì có Tây Thiên thật sao?

Anh vẫn còn nhớ cảm giác bàng hoàng khi nghe tin báo tử vì bệnh của cô bạn cùng học Đại học, năm ấy cô ấy chỉ mới 20 tuổi. Hình ảnh một cô gái trẻ trung, xinh đẹp và hay cười vẫn còn đọng lại trong tâm trí anh, Facebook của cô vẫn còn trong danh sách bạn bè anh, hình ảnh còn đó, nhưng người đã ra đi vĩnh viễn từ lâu rồi. Tại đám tang cô, anh không nhìn mặt cô lần cuối (dù quan tài ở đám tang Công giáo thường cho phép thấy mặt người nằm bên trong), vì điều đó có ý nghĩa gì nữa đâu, hình ảnh cuối cùng của cô anh muốn nhớ về là một cô gái sinh động đang sống. Sự chết đến ngay cả khi đang ở độ tuổi tươi đẹp nhất đời người.

Anh vẫn còn nhớ suy nghĩ không thể tin được khi được báo bác Sáu anh đã mất rồi. Bác anh, một người thầy giáo đáng kính chỉ mới 50 tuổi, tâm lý sáng suốt, không bệnh tật, cơ thể khỏe mạnh nhờ rèn luyện mỗi ngày. Vậy mà một mạch máu trong não bị đứt đã khiến ông ngủ không giờ tỉnh nữa, một sự ra đi yên bình và đột ngột đến không tin được. Đến đám tang của ông, mọi người chỉ biết nhìn nhau mà ngơ ngác. Sự chết có thể đến thật đột ngột mà không hề báo trước.

Anh vẫn còn nhớ khoảnh khắc thinh lặng khi ngắm nhìn thân xác vô hồn của bà nội anh. Lắng nghe tiếng kinh cầu nguyện để bà anh được lên Thiên Đường, về với vòng tay của Chúa. Anh lại tự hỏi có Chúa sao? Có Thiên Đường thật sao? Thật vô nghĩa! Bà nội anh đã sống hơn 90 tuổi đời, và giờ đây, bà nằm đó, trong quan tài, giữa những vòng hoa huệ trắng. Anh khiêng lẳng hoa trắng dẫn đầu đoàn người đưa bà ra nhà thờ hành lễ. Anh lên xe, theo chiếc xe tang đưa bà đến nơi hỏa táng. Anh đứng đó, im lặng nghe bài kinh đưa tiễn cuối cùng trước khi hỏa táng. Anh đứng trước tro cốt của bà, chắp tay lạy trong thinh lặng. Đám tang bà nội anh là đám tang mà anh có mặt ở tất cả giai đoạn, nhìn thấy thật nhiều điều, cũng thêm những trăn trở. Sự chết cuối cùng vẫn sẽ đến dù đời người có dài bao nhiêu đi nữa.

Anh vẫn còn nhớ chuyến đi xa 500 cây số về quê hương anh, để thăm bà ngoại anh đang bệnh nặng. Khi anh gặp bà, bà đã dần khỏe lại từ cơn nguy kịch, đã nói cười, vui đùa cùng con cháu, anh đã thở phào vì mình còn gặp được bà khi bà còn tỉnh táo để nói nhau nghe những câu nhớ thương. Khi anh quay về Sài Gòn, bà còn mỉm cười tạm biệt. Rồi 2 ngày sau khi vào lại Sài Gòn, được tin bà mất. Bố mẹ anh vội vã quay về quê để chịu tang, nhưng anh không về nữa. Anh muốn hình ảnh cuối mình nhớ về bà là hình ảnh một người bà sinh động, cười móm mém tạm biệt đứa cháu xa quê này, chứ không phải là một thân xác vô hồn hay chiếc quan tài lạnh lẽo. Ngẫm lại cũng thật may mắn, khi anh đã dẹp bỏ mọi công việc để quay về và được gặp bà lần cuối, để không phải ân hận sau này. Sự chết là khoảnh khắc những nụ cười an lạc nở rộ và những giọt lệ hối hận tuôn rơi.

Anh vẫn còn nhớ gương mặt của bác Ba anh trên tấm ảnh thờ đang mỉm cười trong đám giỗ đầu của ông hồi tuần trước. Ông ra đi giữa mùa đại dịch năm ngoái, vì bệnh tuổi già. Như em biết đấy, khoảng thời gian này năm ngoái, khi sự chết được nhắc đến quá nhiều và quá gần với chúng ta, là khoảng thời gian của sự chia cắt. Anh nhận tin về sự ra đi của ông khi đang nằm ở ba tại chỗ, bất lực gửi những lời chia buồn đến gia đình bác. Đám tang bác lặng im và vắng vẻ vì không ai đến được. Sự chết có thể vội vã và lạnh lẽo đến vậy đấy...

Nếu em đọc đến đây, có lẽ em sẽ nghĩ anh là một gã đa sầu đa cảm lo chuyện thật xa xôi. Cũng chẳng có gì lạ, chắc đa phần người đọc được những dòng thư này đều sẽ nghĩ như vậy. Nhưng cũng đâu bắt buộc phải đến già mới cần nghĩ đến đâu nhỉ, vì như anh đã nói ở trên "bình thản đối mặt với sự chết thì mới thật sự bình thản mà sống"! Anh nghĩ vậy. Chủ đề này tạm chấm dứt tại đây, bởi tiếp sau là một hành trình tìm hiểu của riêng anh nên chẳng còn gì để viết nữa.

Thân

Người anh tuổi 30

Nhận xét