Thư gửi em #02: Khác biệt giữa đi học và đi làm là gì?

Thân gửi cô em nhỏ,

Hôm trước em hỏi anh rằng đi làm khác với đi học như thế nào? Anh nghĩ sự khác nhau đó nằm ở chữ "tiền". Dù nó có nhiều tên gọi như: học phí, kinh phí, lợi nhuận, vốn, lãi, dư nợ, lương... thì chung quy lại đều là tiền. Điều anh muốn nói với em là...

Đồng tiền quyết định vai trò của bản thân...

# Khi em đi học

Chữ "tiền" sẽ là trục xoay để thay đổi vai trò của em khi đi học và đi làm. Lúc đi học, em đóng học phí cho trường, khi đó em là khách hàng "mua" sản phẩm của trường. Còn nhà trường, với vai trò là bên "bán", phải đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp và giải quyết khiếu nại cho em.

Thường thì em sẽ cảm thấy như mình là người được trường chọn lựa sau khi trải qua những kỳ thi tuyển gian nan, nhưng thực ra chính em mới là người chọn trường. Vì nhà trường là người bán sản phẩm, ở đây là dịch vụ đào tạo, nên họ phải biết được trình độ của em mức nào để họ đảm bảo thực hiện được cam kết của mình, là giúp em "chứa" được lượng kiến thức mà họ cung cấp. Một nhà cung cấp có quyền từ chối cung cấp dịch vụ vì không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, trong trường hợp này là em yêu cầu nhà trường "nâng" kiến thức của em từ mức dưới chuẩn lên cao, nhà trường nào làm không nổi thì rút lui thôi! 

Trong thực tế, một công ty bán hàng thường có quy định tiêu chuẩn để tiếp nhận đơn hàng, một đơn hàng không đạt tiêu chuẩn cụ thể nào đó sẽ không được tiếp nhận. Ví dụ như đơn hàng sản xuất tem tối thiểu phải đặt 20.000 cái, ít hơn không nhận vì không bù được chi phí sản xuất và bị lỗ chẳng hạn; hoặc ví von đơn giản hơn là đâu thể bắt họ bán áo cho Doraemon mặc trong khi họ chỉ có size cho Nobita😂?!

Tuy nhiên, sau khi hai bên đã ký hợp đồng và em đã thanh toán đầy đủ, nhà trường bắt buộc phải cung cấp đầy đủ quyền lợi cho em như đã cam kết trong hợp đồng. Quyền lợi đó bao gồm cơ sở vật chất, chương trình học, tài liệu học và giảng viên giảng dạy. Vậy nên khi đi học, em nên chủ động tương tác nhiều với giáo viên, nếu không sẽ bỏ phí quyền lợi của mình đấy nhé! Dĩ nhiên là nếu đã nhận được đầy đủ quyền lợi nhà trường cung cấp rồi mà em vẫn không "ra trường" được thì đó là do em thôi. Ví như mua Coca về uống vào rồi ăn Mentos bị trướng bụng nhập viện, Coca và Mentos ở đây đâu có lỗi gì, sản phẩm của họ đều đạt chất lượng, có mình em chơi dại thì tự chịu vậy😅!

# Khi em đi làm

Đó là khi em đi học, còn khi em đi làm thì chúc mừng em, vai trò đã xoay chuyển 180 độ. Lúc này em là bên bán, còn bên tuyển dụng là bên mua. Cái em bán ra là kiến thức và năng lực giải quyết vấn đề cho bên tuyển dụng. Mỗi công ty luôn có vô số vấn đề của riêng họ và cần người có năng lực chuyên môn để giải quyết vấn đề đó cho họ, mà hầu hết vấn đề đều quy kết về hai việc: một là giữ tiền, hai là kiếm tiền. Ví dụ như: nhân viên sales đi kiếm khách hàng, mang tiền về cho công ty; chuyên viên đảm bảo chất lượng, bảo trì thì kiểm soát rủi ro, giúp công ty hạn chế thiệt hại (và đều có thể quy ra tổn thất bao nhiêu tiền).

Vậy nên, nếu em không đủ khả năng giúp cho công ty giữ tiền hoặc kiếm tiền, thậm chí còn khiến công ty bị mất tiền thì chẳng còn lý do gì để họ giữ em lại nữa (trừ khi em là con của sếp tổng!😏). Hãy luôn ghi nhớ điều này trong lòng, em nhé!

... Và cũng quyết định cách thức ta giải quyết vấn đề

# Đưa ra phương án "phù hợp"

Lúc còn đi học, trong quá trình học chắc em cũng đã từng giải quyết những bài tập tình huống giải quyết vấn đề chuyên môn, ví dụ như: đồ án thiết kế một hệ thống sản xuất bánh tráng hoặc lập báo cáo tài chính cuối năm của một công ty chẳng hạn. Khi ấy, với niềm hân hoan được vận dụng những kiến thức mới học được, có thể em sẽ giải quyết những bài tập ấy với những phương án "tốt nhất"☝. 

Để tạo ra sản phẩm bánh tráng tốt nhất có thể, em lắp đặt những thiết bị hiện đại nhất đang có trên thị trường, nhập vào nguyên liệu đạt tiêu chuẩn đầu vào tốt nhất, sử dụng những phương pháp kiểm soát chất lượng tốt nhất... Em dành những ý tưởng hay ho nhất cho đồ án tâm huyết ấy của mình. Tuyệt vời! Bài làm của em được đánh giá rất tốt, được thầy cô ngợi khen và cho điểm cao. Khi ấy, em tự tin rằng hệ thống mà em thiết kế có thể dùng trong thực tế và mang lại lợi ích lớn... nhỉ! 

Được rồi, hãy để đồ án ấy của em nằm lại nhà trường, hoặc chỉ nên dùng như một tài liệu tham khảo. Bởi vì dẫu nó đã bỏ qua một thông số quan trọng nhất, đó là "tiền". 

Chi phí đầu tư ban đầu (mua sắm thiết bị, cải tạo nhà xưởng, lắp đặt...) là bao nhiêu? Chi phí vận hành (điện năng, nhân công, bảo trì...) là bao nhiêu?... là những câu hỏi mà Ban lãnh đạo công ty, những người chi tiền, sẽ dành cho em khi nghe về phương án được đề xuất. Dù cho phương án của em là tạo ra sản phẩm tốt nhất nhưng công ty không đủ tiền đầu tư hoặc vận hành thì vẫn sẽ không được sử dụng. 

Các bài tập ở trường thường mang mục đích củng cố kiến thức chuyên môn mà em học được, vậy nên chi phí thực tế là một thông số ít được xét đến. Do đó, khi đi làm, em buộc phải làm quen đến việc tính toán đến "tiền" cho phương án giải quyết vấn đề phù hợp với nguồn lực (tài chính, nhân sự, con người,...) sẵn có của công ty. Một phương án "phù hợp" nhất mới là cái em cần tìm kiếm👍!

# Biến không thành có, biến có thành không!

Ngoài ra, trong các trường hợp "đặc thù", đồng tiền có thể trở thành một "chất bôi trơn" hoàn hảo để giải quyết những vấn đề khó giải. Ví dụ như có thể "hô biến" một hệ thống chất lượng còn yếu kém, không đủ năng lực đạt được chứng nhận chất lượng cao mà chẳng cần phải cải tiến trong thực tế😏🪄. Hay khiến những sai phạm tồn đọng ai ai  cũng thấy thành không còn lỗi lầm nào nữa👌.  

Đây là một thực tế phũ phàng mà không có chương trình học nào sẽ giảng dạy cả, thế nên dù muốn hay không, những sinh viên tràn đầy tri thức và lý tưởng về sự công bằng như em sẽ phải nhanh chóng học tập cách tận dụng "chiếc đũa thần" đa năng ấy để giải quyết các vấn đề. Người nào vận dụng linh hoạt thì sẽ giải quyết vấn đề nhanh chóng, từ đó tiến xa hơn trong sự nghiệp. Còn ai muốn giữ lấy "một tấm lòng son" thì chỉ sớm bị đào thải trong cay đắng mà thôi😞. "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" đấy, ông bà ta dạy chí lí lắm a! 

Những dòng thư trên là quan điểm của anh, có thể đúng, cũng có thể sai, xét cho cùng đó cũng là những gì anh đã trải nghiệm. Thực tế vốn dĩ xấu xí và cay nghiệt lắm, mặc cho nó được phủ lên bởi những lớp vải đẹp đẽ, lý tưởng và hào nhoáng. Càng đi sâu vào một lĩnh vực, càng thấu hiểu cách vận hành trong thực tế, ta sẽ càng nản lòng thoái chí, để rồi ta chỉ có 2 lựa chọn: một là học cách chấp nhận, vận dụng và tiến bước; hai là lên núi sống một đời thanh cao xa rời thế tục! 

Đơn giản là vậy.

Thân

Người anh vẫn đang tiến bước.

Nhận xét