Lạn Kha Kỳ Duyên, đạo lộ hồng trần lưu tích tiên
(Nguồn ảnh: Internet) |
Lạn Kha ngồi bên ván cờ lá rụng, tại giữa trúc lâm không người đánh cờ.Hưng sở trí Thiên Nguyên một cờ, lại xoay người sông núi thênh thang.
"Lạn Kha Kỳ Duyên" của tác giả Chân Phí Sự là một bộ tiên hiệp mới nhưng mang phong cách khác hẳn với những bộ tiên hiệp khác vốn có quan điểm "tử đạo hữu, bất tử bần đạo" đầy rẫy ngoài kia. Tác giả đã mạnh dạn mang chất liệu của dòng "tiên hiệp cổ điển" như "Liêu trai chí dị", "Sơn hải kinh",... kết hợp với thể loại xuyên không trong tiểu thuyết mạng hiện đại để tạo nên một câu chuyện lãng mạn đậm chất "tiên" và "hiệp" đúng nghĩa mà vẫn phù hợp với thị hiếu của độc giả ngày nay.
Kế Duyên, nhân vật chính của truyện, là một chàng trai bình thường vô tình bị cuốn vào thế giới tu tiên cổ đại, một mở đầu quen thuộc của thể loại xuyên không; nhưng điều đáng quý ở đây là con đường tu tiên của Kế Duyên đi giữa hồng trần, tạo nên những giai thoại tầm tiên vấn đạo, đãi thiện nhân diệt ác giả, trảm yêu trừ ma ở nhân gian như trong truyện tiên hiệp cổ điển.
Mang trong mình một tấm lòng hào sảng hiệp nghĩa, một khảo đạo tâm kiên định và một trách nhiệm to lớn phải thực hiện vì thiên hạ chúng sinh, Kế Duyên lựa chọn đối mặt với đại kiếp mà không trốn tránh tư lợi cho bản thân; tay cầm bầu rượu miệng cười vang, một chiêu "khuynh thiên kiếm thế" trảm ngàn vạn yêu ma, một hơi "tam muội chân hỏa" đốt sạch âm tà, một "sắc lệnh lôi chú" dẫn động lôi kiếp khiến ác giả ác báo, uống say nằm ngủ "du mộng" chém nghiệt Hồ... là những hình ảnh thật đẹp đẽ, tiêu dao và sảng khoái của "tiên nhân". Văn phong đôi lúc như sương sớm mông lung mờ ảo, có khi lại ầm ầm sóng dậy, kết hợp cùng những khoảnh khắc hài hước ý nhị mang lại một màu sắc tươi mát thoải mái cho truyện.
Bối cảnh trong truyện là một thế giới cổ trang có vương triều của nhân tộc, có động thiên phúc địa của tiên nhân, có vùng đất yêu ma hoành hành, có bậc cao nhân hành tẩu nhân gian, có tình người duyên ma,... một thế giới đa sắc màu và đặc biệt là có "nhân tính". Điều đáng quý ở đây, phàm nhân trong truyện không phải là kiến hôi trong mắt người tu tiên, mà phàm nhân vẫn được tôn trọng và có ảnh hưởng đến khí số của thiên địa. Càng là bậc cao nhân chính đạo, tâm tính càng thuần chân như trẻ thơ. Hiếm thấy trong bộ truyện tiên hiệp hiện đại nào mà những con người nắm giữ sức mạnh hủy thiên diệt địa như vậy lại vô tư thiện đãi với người phàm, dù cho có là lão nông dân nghèo hay gã bán rau bên đường,... Tu tiên tức tu tâm là vậy chăng?
Kế Duyên tu tiên cũng không vì mục đích để trở thành kẻ đứng trên tất cả. Sau bao nỗ lực, khi trách nhiệm đã hoàn thành, khi đại thế đã định, y sẵn lòng buông bỏ pháp lực vô biên của bản thân để duy trì sự vận hành của thiên đạo, mà không chọn trở thành thiên đạo chưởng quản thiên địa chúng sinh. Hình ảnh lão nhân Kế Duyên tóc mai sương trắng, ngồi thuyền nhỏ gặp cố nhân, "một bình rượu đục vui tương phùng, cổ kim bao nhiêu sự tình, đều phó tiếu đàm bên trong"...là một hình ảnh kết thúc thật đẹp đẽ, tiêu dao và nhẹ lòng biết bao!
Với những điều trên, "Lạn Kha Kỳ Duyên" đã trở thành bộ truyện tiêu biểu cho phong cách tiên hiệp cổ điển trong tiểu thuyết mạng Trung Quốc hiện nay. Có lẽ khi tâm trí đã quá mệt mỏi với cuộc sống hiện thực đầy cạnh tranh, giả tạo với nhau thì những bộ truyện như thế này như một nơi trú ngụ yên bình, nơi mà cái thiện được gìn giữ và lan tỏa. Một bộ truyện đáng đọc để giải tỏa căng thẳng và có một giấc ngủ thoải mái.
Nhận xét
Đăng nhận xét