Cảm nghĩ về tiểu thuyết mạng Trung Quốc

Trong phạm vi bài viết này, mình chủ yếu đề cập đến các bộ tiểu thuyết của tác giả Trung Quốc viết và đăng dài kỳ trên web, mình gọi chung là tiểu thuyết mạng Trung Quốc (TTMTQ). Đây là những cảm nghĩ chủ quan của riêng mình rút ra được sau khi đã đọc nhiều TTMTQ trong một thời gian dài. Ngoài ra, mình sẽ không xét đến thể loại ngôn tình, do mình không có đọc qua thể loại này nên không có nhận định về nó.

Nhìn chung, cảm giác của mình khi bắt đầu tiếp xúc lại với TTMTQ sau bao năm (hồi xưa từng đọc bộ "Tru Tiên" của Tiêu Đỉnh) là ngỡ ngàng vì sự đa dạng đáng kinh ngạc của nó!

Nếu muốn phân chia một cách có hệ thống thì có thể phân loại đại khái như sau:

  • Theo thể loại: tiên hiệp, kiếm hiệp, huyền huyễn, khoa huyễn,...
  • Theo bối cảnh thế giới: cổ điển tiên hiệp, đô thị dị năng, tu chân văn minh,...
  • Theo lưu phái: sảng văn, hệ thống, phàm nhân, phế vật, xuyên nhanh, nữ cường,...

Sự phối trộn về thể loại, bối cảnh thế giới, lưu phái với nhau tạo ra sự đa dạng và đặc sắc cho thế giới TTMTQ. Sau khi đọc đủ nhiều để lãng quên đi cảm giác kinh ngạc ban đầu thì mình nhận thấy một số đặc điểm đặc trưng trong nội dung của dòng TTMTQ này.

Đặc điểm đầu tiên: tác giả và độc giả dễ dàng liên hệ với nhau

Hình thức đăng tải của TTMTQ có một điều hết sức thú vị mà dòng văn học sách in không có được, đó chính là hoạt động giao lưu liên tục giữa độc giả, người dịch và tác giả với nhau. Cụ thể hơn, thông qua hình thức phát hành từng chương (chapter) định kỳ trên trang web, người đọc dễ dàng bình luận về chương truyện ngay lập tức, điều này thú vị đến nỗi đôi khi đọc bình luận còn vui hơn cả truyện. Nó phá vỡ đi khuôn sáo của dòng sách in truyền thống, khi mà người đọc phải đọc hết quyển sách (vốn đã hoàn thành) rồi mới tìm kiếm những độc giả đã từng đọc như mình. Ngoài ra, sự tương tác không chỉ diễn ra ở độc giả với nhau mà còn có mặt cả tác giả, dịch giả tạo nên một môi trường gần gũi, cởi mở hơn bao giờ hết. Thậm chí tác giả có thể chỉnh sửa lại chương truyện đã đăng hoặc thay đổi hướng đi của câu truyện dựa theo phản ứng của độc giả. Điều này vừa lợi vừa hại.

Đặc thứ hai: mang tính giải trí cao

Cho dù nó là truyện kinh dị hay ngược tâm thì đều như vậy. Giải trí không phải lúc nào cũng là những truyện vui mang lại tiếng cười mà bao gồm tất cả những truyện mang lại kích thích và tạo ra sự thỏa mãn trong tâm trí. Bằng khả năng lôi cuốn kỳ lạ, TTMTQ có thể dễ dàng mang tâm trí người đọc nhập tâm vào nhân vật chính và cuộc hành trình của nhân vật đó. Mình nghĩ nó đến từ việc người đọc không cần phải cố gắng suy nghĩ để hiểu được tác phẩm, chỉ cần buông mình vào dòng chảy của câu truyện. Vậy nên độc giả có thể dễ dàng đọc hết cả ngàn chương truyện mà chẳng tốn chút "nơ-ron thần kinh" nào, cái bỏ ra chỉ là thời gian để đọc mà thôi.

Nếu nhận định trên mà được mình đăng lên comment thì chắc có khối ông nhảy ra cầm mấy bộ trinh thám chọi vào mặt mình mà phán: "Thế mày coi trinh thám mà không suy luận à!". Mình vẫn bảo lưu quan điểm trên và xin thưa với các vị ấy là cái thể loại trinh thám ấy, cho dù là tiểu thuyết đăng trên mạng, sách in hay phim ảnh thì mình cũng không cần ngẫm nghĩ gì khi xem cả vì việc đó thật vô ích. Tại sao ư? Là bởi có nghĩ nát óc cũng không đoán được cái kết cuối cùng đâu vì tác giả muốn như vậy mà. Muốn suy luận thì trước hết phải có đủ dữ liệu đã, khốn thay chẳng có tác giả nào ngu ngốc cho đủ dữ liệu ra trước hết; thay vào đó, trong suốt tác phẩm họ thường "mớm" cho độc giả một số manh mối để tạo ra "ảo giác" rằng chỉ cần suy luận dựa trên các manh mối đó là ra được đáp án. Thực tình thì đoán ra được mới lạ, vì manh mối quan trọng nhất lúc nào cũng nằm trong tay tác giả và thường tung ra cuối truyện để tạo một cái kết bất ngờ cho những vị độc giả đã bị đánh lạc hướng trước đó.

Bàn tiếp về tính giải trí của TTMTQ, mình thấy có một sự tương đồng với một mạng xã hội đang làm mưa làm gió hiện nay: TikTok (cũng từ ông Trung Quốc mà ra). Điểm đặc biệt của TikTok chính là các video ngắn (10-20 giây/video) có tính giải trí cao, hấp dẫn, mang đến những kích thích và sự thỏa mãn ngắn hạn liên tục khiến người xem chỉ muốn lướt mãi không dừng, để rồi lúc tỉnh thì thấy mấy tiếng đã trôi qua thật vô nghĩa. TTMTQ cũng vậy, nó khiến người đọc chỉ muốn nhấn đến chương tiếp theo, đọc tiếp, đọc mãi cho đến khi kiệt sức mới ngưng được.

Đặc điểm thứ ba: chủ nghĩa cá nhân 

Thậm chí là vị kỷ, được bắt gặp trong hầu hết các tác phẩm TTMTQ. Hành trình theo chân một phàm nhân vô tình có được kỳ ngộ, bước vào tu tiên chi lộ, cướp đoạt lấy tài nguyên để mạnh hơn, đạp lên kẻ khác, trở thành chí tôn đứng trên tất cả để không còn ai có thể khống chế tự do của bản thân nữa là một mô-típ kinh điển trong các truyện tiên hiệp rất được yêu thích; hoặc như câu chuyện của một thanh niên nghèo trọng sinh về quá khứ làm lại cuộc đời và đứng lên đỉnh cao nhân sinh trong các bộ đô thị; nếu không muốn ở thế giới hiện đại thì là xuyên về quá khứ thành hoàng đế ở thể loại lịch sử/quân sự...

Tựu trung, sức hút của các thể loại văn mạng như vừa nêu đến từ cảm giác sảng khoái khi theo dõi nhân vật chính, một cá nhân nhỏ bé đi đến đỉnh cao cuối cùng. Nếu nhìn vào độ tuổi độc giả chiến nhiều nhất: khoảng 15-30 tuổi, thì có thể hiểu được tại sao TTMTQ thường có xu hướng như đã nêu trên.

Việc phải chịu nhiều sự bó buộc, ức chế bất đắc dĩ trong cuộc sống hàng ngày khiến con người muốn tìm một lối thoát, dù chỉ trong chốc lát, đến với "ảo ảnh" tự do trong những bộ TTMTQ, một tự do không phải đánh đổi thứ gì từ bản thân, một tự do "an toàn" và có thể lặp lại bất tận! Thậm chí hiện nay còn có sự xuất hiện của lưu phái "vô địch", đang dần thay thế cho "phàm nhân" hay "phế vật", càng thể hiện sự khao khát này của độc giả. "Vô địch lưu", cái tên đã thể hiện tất cả, là lưu phái mà nhân vật chính của bộ truyện đã trở nên vô địch ngay từ đầu truyện mà không cần phải nỗ lực hay trả giá gì cả, nói thẳng ra là "nằm không mà hưởng", ngay từ đầu đã là "bố thiên hạ" rồi! Kịch bản này mình không chỉ thường thấy trong TTMTQ hiện nay mà còn thấy cả trong truyện tranh manga, manhwa hoặc manhua.

"Tiên hiệp" là một thể loại đặc biệt xuất hiện nhiều nhất trong TTMTQ, nếu theo những nhận định của mình ở trên thì dễ hiểu tại sao lại như vậy. Đơn giản vì thể loại này cho phép cá nhân sở hữu nhiều sức mạnh nhất và đè ép hoàn toàn sức mạnh tập thể (một cái phất tay của cao thủ cảnh giới Đại Thừa Kỳ dư sức tiễn cả tỷ người cấp Kim Đan Kỳ thành bụi!), đồng thời con đường tu tiên bắt buộc phải tranh đấu để giành được càng nhiều tài nguyên phục vụ cho bản thân mạnh lên trong một thế giới tu chân tàn khốc. Mục đích cuối cùng của nhân vật chính trong tiên hiệp là trường sinh bất tử, mạnh đến mức không ai giết được mình, từ đó siêu thoát khỏi ràng buộc của mọi quy tắc, luân thường đạo lý, đạt đến tự do muốn làm gì thì làm; một "ảo ảnh" tự do hấp dẫn dành cho bất kỳ độc giả nào.

Chính mục đích ấy đã làm nên sự khác biệt rõ rệt giữa tiên hiệp và các thể loại khác, nơi cá nhân cũng có sức mạnh to lớn như "kiếm hiệp", thể loại mà nhân vật chính dù là thiên hạ đệ nhất võ lâm thì cũng bị giới hạn trong thân xác máu thịt và tuổi thọ ngắn ngủi của con người, từ đó dẫn đến nội dung của kiếm hiệp thường chỉ xoay quanh việc tranh đoạt quyền lực, danh vọng, tiền tài, giải quyết ân oán tình cừu và theo mình, quan trọng nhất là "tình nghĩa" giang hồ, thứ mà tiên hiệp đa phần không có được. "Tử đạo hữu, bất tử bần đạo" là quan điểm chung trong tiên hiệp, nơi lợi ích cá nhân luôn phải đặt lên trên hết, kế tiếp là của người thân quen, nếu có dư dả hoặc không gây hại tới lợi ích cá nhân thì mới "bố thí" cho người khác, còn việc xả thân vì nghĩa, vì thiên hạ như trong kiếm hiệp thì sẽ bị chửi là ngu! Thú vị thay, quan điểm này vô hình trung lại hợp với quan điểm thực tế của xã hội hiện đại, được thể hiện trần trụi, không phải khép nép náu mình dưới những lời sáo rỗng; bảo sao độc giả không khoái cho được!

Đôi khi có một số bộ truyện còn đi kèm với chủ nghĩa dân tộc, tung hô dân tộc mình mà miệt thị dân tộc khác; có thể trực tiếp như trong các truyện thể loại lịch sử/quân sự, đô thị (chế giễu là man di mọi rợ, đem quân đánh chiếm, tàn sát,...) hoặc gián tiếp như trong tiên hiệp (không nêu tên dân tộc nhưng gán ghép các đặc điểm nhận dạng của dân tộc đó vào những nhân vật, vùng đất, đất nước giả tưởng trong truyện để thuận tiện mỉa mai, hủy diệt,...). Thật khó chịu khi gặp phải những thứ này khi đọc truyện!

Ngoài ra, chỉ trong thể loại tiên hiệp thì mới có thần tiên tỷ tỷ chính hiệu thôi, ít nhất thì đó là điều mình muốn nhắn gửi cho đứa bạn hồi cấp hai để thể hiện sự "ăn năn" của mình do lỡ vô tình phá nát thần tượng của nó! Số là hồi đó, khi nghe nó tung hô vẻ đẹp thanh cao thoát tục của "thần tiên tỷ tỷ" Cô Long trong "Thần Điêu Hiệp Lữ", mình đã hỏi nó: "Thế lúc Cô Long đi... toa-lét thì sao hả mầy!?" và nhận lấy một ánh mắt hình viên đạn của nó! Đây cũng xem là một ví dụ về tính thoát ly hiện thực của tiên hiệp ấy nhỉ?

Bàn thêm về tính thoát ly hiện thực, không thể không kể đến một thể loại thường được "đính kèm" với các thể loại khác trong nhiều tác phẩm TTMTQ. Đó là "xuyên không", nó nhiều đến mức chắc mình phải gọi vui rằng chúng ta đang ở "thời đại xuyên không", khi mà người người xuyên không, nhà nhà xuyên không với đủ hình thức khác nhau nhiều không đếm xuể.

Điều gì đã làm nên sự thịnh hành của thể loại này đến mức khi nhắc đến TTMTQ thì không thể không nghĩ đến thể loại này? Mình nghĩ nó nằm ở mối liên kết giữa thế giới hiện thực và thế giới giả tưởng trong truyện mà hoạt động "xuyên không" đã tạo ra được. Các nhân vật chính của thể loại này đa phần là người bình thường đang sống trong xã hội hiện đại như các độc giả, và vì một lý do nào đó khiến họ bị kéo vào một thế giới khác biệt; điều này khiến độc giả có sự đồng cảm đầy thích thú với nhân vật (có lối suy nghĩ, quan điểm, thói quen, ngôn từ hiện đại) và sẵn lòng cùng đồng hành với nhân vật đó trong hành trình khám phá thế giới mới lạ mà các tác giả đã tạo ra. À, đọc đến đây bạn có liên tưởng đến Joseph Campbell với quyển "Người hùng mang nghìn gương mặt" của ông không nhỉ!? Đáng tiếc là có một sự khác biệt lớn ở đây, "người hùng" hay dùng từ đúng hơn là "main chính" của chúng ta thường không thèm trở về thế giới cũ và sẽ đi lên đỉnh cao nhân sinh hoặc làm "trùm" thế giới mới luôn! Sự khác biệt giữa "món bánh snack" công nghiệp đậm đà gia vị để thỏa mãn vị giác và "món ăn nghệ thuật" bổ dưỡng tâm hồn của đầu bếp tài hoa là đây chứ đâu!

Đặc điểm thứ tư: tính dễ sao chép ý tưởng. 

Có một điều buồn cười là muốn biết xu hướng hoặc nội dung truyện nào của văn mạng nào đang thịnh hành thì chỉ cần mở danh mục truyện trên web ra rồi đọc tên truyện là đủ. Những cái tên được đặt na ná nhau thường bảo đảm nội dung cũng tương tự nhau (dù khác tác giả) như là: "Thục Sơn Đánh Dấu 3000 Năm, Xuất Quan Lục Địa Kiếm Tiên", "Thiên Lao Đánh Dấu 20 Năm, Ta Cử Thế Vô Địch", "Đánh Dấu Tám Năm, Trăm Tỷ Thân Gia Bị Tỷ Tỷ Lộ Ra!",...


Xét đến cùng, đọc TTMTQ là để có cảm giác thoải mái, nên khi thích một ý tưởng truyện nào thì có thể tìm đọc những truyện mang ý tưởng tương tự để duy trì cái cảm giác ấy. Ví như thích ăn bánh snack vị tôm thì ăn snack O'Star, Oishi, Poca... gì cũng được, miễn nó có vị tôm là được!

Tuy nhiên, hiện nay TTMTQ đang dần có những ý tưởng đột phá đổi mới để thoát khỏi lối mòn cũ, tiêu biểu là một số bộ truyện như Quỷ Bí Chi Chủ, Lạn Kha Kỳ Duyên,... làm tăng thêm sự đa dạng và sức lôi cuốn. Bản thân mình cũng rất mong đợi được thưởng thức những tác phẩm mới xuất sắc như vậy!

Nhận xét