Corsair K63, gã phím cơ đen ngầu

Corsair K63 là một tay phím cơ ngầu lòi mang quốc tịch Mỹ. Sở hữu một vẻ ngoài hầm hố đậm chất phim hành động Mỹ cùng dàn led đơn sắc đỏ rực của dung nham núi lửa mang lại một cảm giác nóng bỏng đầy nhiệt huyết. Nhưng trái với vẻ ngoài dữ dằn của mình, anh chàng lại mang trong mình một nội tâm hiền lành của switch Cherry MX Red, đem lại một cảm giác gõ phím linear nhẹ nhàng và yên bình. Chính những điều này đã khiến mình quyết định chọn cậu chàng về đội của mình, bỏ qua những em phím mang vẻ đẹp tươi tắn trẻ trung của dòng họ Akko trong cùng tầm giá.

THÔNG SỐ CƠ BẢN:
Switch: Cherry MX Red
Keycaps: Nhựa ABS
Thiết kế: Tenkeyless (TKL), 87 phím
Kích thước: 365mm x 171mm x 41mm
Kết nối: Có dây
Đèn Leb: Đơn sắc màu đỏ

Nhìn sơ qua các thông số trên thì nhiều bạn thích chơi phím cơ sẽ thấy chiếc bàn phím này khá bình thường nếu xét đến việc nó mang cái họ Corsair danh giá. Tuy nhiên, đối với một người lần đầu sử dụng phím cơ như mình thì đây lại là một lựa chọn sáng suốt và đủ thỏa mãn.

Nói đến cái duyên do đâu mà mình gặp gỡ đồng chí này thì đó là một câu chuyện dài hơi của một người ngoại đạo bước vào hành trình tìm hiểu về thế giới bàn phím. Vì đây cũng chẳng phải một bài viết chuyên môn giới thiệu sản phẩm, nên nếu bạn có hứng thú với câu chuyện này thì sao không ngồi xuống, nhấp ngụm trà ăn miếng bánh và lắng nghe câu chuyện phiếm này nhỉ 😋 

Câu chuyện bắt đầu từ khi mình trở về sau gần 3 tháng ở lại trong công ty để trốn dịch Covid 2021. Lúc ở công ty, mình không đem laptop cá nhân theo vì không nghĩ là phải ở lại lâu đến thế (lúc đó có mấy ai ngờ!). Lúc về nhà mở ra sử dụng được mấy hôm thì tự dưng cái bàn phím dở chứng nhảy loạn, cái cảm giác đánh chữ mà cái phím delete nó cứ ở chế độ auto spam chiêu thì ôi thôi nó đắng, chưa kể các phím khác cũng nhảy vào cuộc quẩy bar hỗn loạn như chưa từng được quẩy khiến mình phải ngậm ngùi đưa đi bảo hành. Lăn qua lộn lại thì phải đến 1 tháng sau cái máy mới về lại tay mình, lý do là vì nguyên chỗ bảo hành... dính Covid nằm nhà hết rồi nên không có người sửa!? 😂. Thôi cũng thông cảm, sửa xong là được rồi, cho đến một tuần sau thì những con phím thay vì nhảy loạn như lần trước thì lần này ... đột tử luôn! 😭. Đành tiếp tục ngậm ngùi gửi đi sửa tiếp. 

Sau vụ đó thì tự nhiên đâm lo cho cái bàn phím yếu ớt của laptop ấy, nên nghĩ đến chuyện tìm mua bàn phím rời về dùng. Vừa hay có ông bạn đồng nghiệp thích đồ công nghệ làm cùng phòng biết chuyện, thế là ổng nhiệt tình giới thiệu đủ loại bàn phím giả cơ và phím cơ mà ổng biết. Lúc đầu mình cũng băn khoăn lắm, tại không nghĩ đến chuyện bỏ ra tiền triệu chỉ để mua một cái bàn phím. Hồi sau cũng bắt đầu tìm hiểu về phím giả cơ và phím cơ, không nghĩ đến "chơi phím" cũng lắm công phu đến thế, thấy cũng thú vị. Sau khi sàng chọn đủ kiểu thì vô tình được giới thiệu về gã Corsair K63 này, thấy ấn tượng với ngoại hình của gã, lại nghe gã có bộ switch Cherry MX Red, một lựa chọn an toàn đảm bảo cho cảm giác gõ, cộng thêm thấy giá cũng phù hợp với những gì gã có. Thế là quyết định... nằm chờ săn sale để rước về với giá hời 😁. Cuối cùng gã cũng về với đội của mình! 🎉🎉

Cảm giác đầu tiên khi mở hộp là... WOW! Còn đẹp và ngầu hơn trong hình nhiều. Body bằng nhựa nhưng chắc nịch, cầm khá đầm tay. Đèn leb đỏ rực cực cháy. Khi bắt đầu gõ phím thì ôi thôi sướng tay khó tả. Bàn tay cứ như bị hút vào ấy, các ngón tay nảy tách tách trên từng con phím, thoải mái đưa con chữ chảy tràn trên màn hình. Khó trách switch của nhà Cherry được đánh giá cao như vậy, chỉ cần gõ phím thôi là thấy đáng đồng tiền bát gạo rồi!

Mọi thứ vẫn hoạt động tốt sau 2 năm sử dụng thì cảm giác gõ đó vẫn mượt mà thú vị như ngày nào. Nhất là khi gõ được 10 ngón không nhìn bàn phím thì càng đã tay hơn nữa. 

Điểm trừ duy nhất nằm ở phần keycaps bằng nhựa ABS. Các phím bấm có hiện tượng bị tróc lớp phủ ở phần cạnh viền mỗi phím, khiến ánh sáng đèn leb bên dưới lọt qua nhìn khá khó chịu. Tuy vậy, đối với mình thì điểm trừ này cũng không quan trọng lắm vì mình cũng ít để ý đến.


Ngoài ra, đèn leb chỉ có một màu đỏ đơn sắc có thể khiến bạn thấy nhàm chán. Nếu vậy thì bạn có thể khiến nó sinh động hơn khi tùy chỉnh hiển thị bằng phần mềm Corsair Utility Engine (CUE) chính chủ. Ban đầu mình cũng thích thú với khả năng tùy chỉnh này lắm, ngồi nhìn bàn phím "sôi động" hẳn lên cũng vui mắt, nhất là khi chơi game âm nhạc thấy thêm phần hào hứng. Nhưng dùng lâu thì mình lại thích để đơn sắc đứng yên vậy cho "yên tĩnh", đỡ rối mắt.

Vậy nên sau tất cả, mình sẽ tiếp tục gắn bó với đồng chí này thêm nhiều năm nữa.

Nhận xét